Header Ads

Cuộc đối thoại 'không nói suông' của Thủ tướng

Kéo dài hơn gần một giờ so với dự kiến song hội nghị sáng 17/5 tại Hà Nội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp được đánh giá là ít căng thẳng hơn so với cuộc đối thoại cách đây hơn một năm. Thay cho những bức xúc dồn nén được gửi tới Chính phủ mới nhậm chức tại hội trường Thống Nhất (TP HCM) năm ngoái, là những góp ý, đề xuất chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ coi đây là dấu ấn của việc điều hành, đồng thời cũng đưa ra những thông điệp cụ thể cho thời gian tới.

Vị thế mới cho kinh tế tư nhân

Diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 5 với nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương và hơn một chục nghìn doanh nghiệp cả nước thực sự là diễn đàn của khu vực kinh tế này.

Ngay trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng đã mượn lời của những nhà tư sản dân tộc như Bạch Thái Bưởi hay chí sỹ như Lương Văn Can để nói về vai trò của doanh nghiệp tư nhân đối với kinh tế đất nước.

Khác với những lần gặp gỡ trước đây khi ý kiến phát biểu đa phần thuộc về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn..., tiếng nói đến từ những đơn vị còn chưa thực sự nổi danh như Kossy, BMG... là điểm nhấn quan trọng, đem lại luồng gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy vậy, sau các ý kiến được doanh nghiệp đưa ra, đa phần những tràng pháo tay vẫn rộ lên bởi chia sẻ về bất bình đẳng giữa khu vực công và tư nhân. Như bức xúc của Chủ tịch Hội bệnh viện tư nhân Việt Nam - Nguyễn Văn Đệ về việc Chính phủ không nên cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viên công. “Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm nữa, phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viên tư. Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư”, ông Đệ nói.

Bị nhắc vì phát biểu quá thời gian quy định song Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc vẫn xin nói cho hết tâm tư của giới kinh doanh. Theo ông Lộc, một trong những lo lắng lớn nhất là chi phí làm ăn tại Việt Nam đang đắt đỏ nhất thế giới. Nỗi lo này còn được Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Nguyễn Văn Thân củng cố bởi ý kiến về tình trạng doanh nghiệp phải cạnh tranh không bình đẳng vì những chi phí ngầm, tiền lót tay...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh sẽ được lãnh đạo Chính phủ cởi trói hơn nữa để chỉ đạo “không là lời nói suông mà là hành động thực tế”.

Hội nghị của những cam kết

Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lập tức trở thành hành động của Chính phủ cũng là một điểm nhất của hội nghị lần này. Ngay khi bắt đầu phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được tràng pháo tay từ khán phòng khi cầm trên tay bản chỉ thị với chữ ký còn chưa khô mực. Văn bản yêu cầu các cơ quan cấp bộ, địa phương không thanh tra doanh nghiệp quá một lần một năm, không được mở rộng nội dung nếu thanh tra đột xuất...

* Thủ tướng công bố Chỉ thị số 20 và kết luận Hội nghị

Hy vọng giới kinh doanh nhìn thấy những nỗ lực của Chính phủ sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, song Thủ tướng cũng nhìn nhận vẫn có những điểm mà nhà điều hành chưa làm được. Đó là sự không nhất quán giữa những văn bản dưới luật, thuế phí còn là gánh nặng cho doanh nghiệp, khả năng tiếp cận các nguồn lực xã hội còn kém...

Thủ tướng nhấn mạnh, 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp, từ những khoản chính thức cho tới phi chính thức. Chính quyền sẽ xóa bỏ sự ưu ái công - tư, thu hồi nguồn lực đang được sử dụng lãng phí để phân bổ lại nhằm cải thiện năng suất xã hội. Các nguồn lực sẽ được chuyển giao cho các thành phần kinh tế để tối ưu hóa, chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước.

"Cần xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, năng lực cạnh tranh cao. Đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn phải có sự an toàn. Không chỉ có chi phí thấp mà còn phải rủi ro thấp. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh tạo ra độ tin cậy cao, vững chắc, để mọi người không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp nối thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, hàng loạt cam kết cũng được lãnh đạo bộ ngành, địa phương đưa ra. Từ khẳng định “không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự” của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, cho tới lời hứa bỏ một loạt thủ tục trong lĩnh vực mình quản lý của Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ - Chu Ngọc Anh. Những lời hứa này cũng như cam kết dẹp nạn phong bì, chi phí ngoài “hành” doanh nghiệp của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình... đều nhận được những tràng pháo tay của các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

'Doanh nghiệp không cuộc họp, họ đếm chi phí có giảm hay không'

Tuy vậy, lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thức rõ điều cộng đồng doanh nghiệp trông chờ không chỉ là những lời hứa mà là hành động cụ thể. “Họ không cần đếm có bao nhiêu cuộc họp, mà đo đếm chi phí có giảm không và làm sao để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ông nhấn mạnh, mỗi cuộc làm việc cần giải quyết được vấn đề cụ thể chứ không phải để nghe những báo cáo chung chung.

* Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải hành động thực chất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, từ Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng, trưởng ngành phải chuyển biến, không được nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

“Suy đến cùng, Chủ tịch, Bí thư các tỉnh thành phố, các Bộ trưởng phải lo trực tiếp công việc này theo chức năng nhiệm vụ của pháp luật quy định. Chính phủ theo đuổi đến cùng cải cách thể chế, trao cơ hội cho mọi thành phần trong nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.

Cần thêm không gian đối thoại

Được xem là cuộc gặp gỡ doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 2.000 đại biểu tham gia tại hội trường và khoảng 10.000 đơn vị khác từ các tỉnh thành qua cầu truyền hình, song ngoài các ý kiến được tập hợp qua đường văn bản, thời lượng đối thoại trực tiếp giữa giới kinh doanh và lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương vẫn còn khá eo hẹp.

Trong tổng thời lượng 360 phút của cuộc trao đổi, sau 90 phút đầu dành cho các báo cáo, thực tế đại diện các doanh nghiệp chỉ có khoảng 120 phút để trình bày vướng mắc, đề xuất giải pháp... Theo tổng kết của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian nêu trên, đã có 16 ý kiến được phát biểu, trong khi vẫn còn ít nhất 30 lượt đăng ký khác chưa có cơ hội, sẽ được chuyển tới Văn phòng Chính phủ theo đường văn bản.

Cùng với số lượng chưa nhiều, việc cùng đối thoại trong những vấn đề cụ thể giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng ngay tại diễn đàn còn hạn chế. Các ý kiến trao đổi qua lại như giữa Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Lực - Nguyễn Văn Đệ với Bí thư Thành ủy Hải Phòng - Lê Văn Thành là khá hiếm hoi. Theo ông Đệ, doanh nghiệp đã gặp phải sự thờ ơ khi mong muốn giải quyết những vướng mắc trong làm ăn tại địa phương. Trong khi đó, lãnh đại Hải Phòng khẳng định chưa từng nhận được điện thoại, tin nhắn của đơn vị này, song cũng nắm rất rõ tình hình. Cơ quan chức năng địa phương cho biết luôn mong muốn đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp.

Trong phần hồi đáp của mình, hầu hết các Bộ trưởng đều cố gắng trả lời cả những vấn đề được VCCI tập hợp trước đó bằng văn bản lẫn những nội dung được doanh nghiệp nêu trực tiếp trên diễn đàn. Tuy vậy, vẫn có những lãnh đạo dành nhiều thời gian vào việc trích dẫn quy định, báo cáo thống kê... ảnh hưởng đến chất lượng trả lời cũng như khiến các Phó thủ tướng điều hành không ít lần phải nhắc nhở về thời gian.

Phát biểu gần chót hội nghị, điểm lưu ý đầu tiên được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đối với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương là "rất cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp".

"Đối thoại là nói đi và nói lại. Tôi đã trực tiếp tham gia những buổi đối thoại mà các bộ ngành trước đó đã làm nhưng doanh nghiệp vẫn còn bức xúc. Trong 14 vấn đề được nêu ra thì cuối cùng có 3 vấn đề các bộ ngành không đúng, phải sửa theo doanh nghiệp. Những vấn đề còn lại sau khi nghe giải thích, các doanh nghiệp đều vỗ tay nghe theo Nhà nước. Việc đó rất thoải mái vì có trao đi đổi lại, chứ không phải một chiều áp đặt", Phó thủ tướng kể lại.

Bình luận sau hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá cao việc tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý và giới kinh doanh. "Chính phủ đã lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hơn. Việc lãnh đạo Chính phủ làm việc từ sáng đến gần 14h, không nghỉ trưa đã tác động đến lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương theo hướng tích cực", ông nói. Quyết định chọn 2017 là năm giảm phí cũng được đánh giá là rất thiết thực vì đây đang là gánh nặng chủ yếu với doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng - Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đã ngày càng thể hiện sự quyết liệt trong điều hành với quyết tâm thay đổi thể chế, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là điều mà ông Hưng, cũng như đa số doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi.

Theo vị này, món quà Chính phủ đem đến cho doanh nghiệp không gì lớn hơn là tạo môi trường dầu tư kinh doanh minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp và được thể hiện qua những hành động cụ thể. “Doanh nghiệp không cần những nâng đỡ, hỗ trợ như bầu sữa, mà cần một thể chế, môi trường tốt để kinh doanh”, ông Hưng bày tỏ.

Ngược lại, trong phát biểu bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn khi trích lời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu". Đồng thời, ông cũng bày tỏ kỳ vọng vào vai trò của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế.

"Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta. Tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam", Thủ tướng nói.

No comments

Powered by Blogger.