Header Ads

'Manhattan Trung Quốc' không còn là thành phố ma

Năm 2014, khi Zhang Zhenhua đến Thiên Tân để nhận việc bảo vệ tại một chung cư xa xỉ, anh chẳng nghĩ mình sẽ làm việc trong một thành phố với những tòa văn phòng trống trải và những chung cơ cao tầng dang dở.  

Đó chính là khung cảnh tại quận Xiangluowan của Thiên Tân - trọng tâm trong kế hoạch đầy tham vọng của thành phố này, nhằm tạo ra phiên bản Manhattan của Trung Quốc. "Chỗ này vắng vẻ lắm. Tôi gần như chẳng thấy ai trên đường", anh nhớ lại.

Tham vọng phát triển các siêu đô thị của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo giới suốt nhiều năm qua. Câu chuyện về những thành phố ma cũng trở thành biểu tượng cho sự lãng phí và rủi ro tài chính của các công trình tại đây.

manhattan-trung-quoc-khong-con-la-thanh-pho-ma

Thiên Tân là thành phố cảng quan trọng trong nhiều dự án của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đến nay, tương lai tài chính của Thiên Tân vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, khung cảnh đã được cải thiện khá nhiều. Những tòa nhà chọc trời từng trống hoác, những tháp văn phòng không một bóng người và những khách sạn, chung cư chẳng ai ở đang dần được lấp đầy. Tất cả là nhờ nỗ lực của Chính phủ, nhằm biến nơi này thành cửa ngõ quan trọng để hồi sinh vùng phía bắc Trung Quốc.

"Những tòa nhà này vẫn chưa kín chỗ đâu, nhưng đang dần được lấp đầy rồi", Michael Hart - một giám đốc tại hãng môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle tại Thiên Tân nhận xét, "Nhu cầu chủ yếu vẫn từ phía khu vực công thôi, nhưng các ngành tư nhân cũng đang đến đây".

Tại quận Binhai, các tòa nhà văn phòng trống đang dần được lấp đầy bởi nhân viên các công ty tư nhân, cũng như các doanh nghiệp nhà nước lớn, như Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc, tập đoàn đường sắt CRRC và công ty đa ngành China Poly Group.

manhattan-trung-quoc-khong-con-la-thanh-pho-ma-1

Nhà máy lắp ráp của Airbus tại Thiên Tân. Ảnh: AFP

Dù vậy, tại quận kinh doanh trung tâm (CBD) ở Thiên Tân, tình hình khó khăn hơn nhiều. Các tòa nhà văn phòng tại đây vẫn còn trống 40%. 300.000 m2 mặt bằng nữa sẽ được đẩy vào thị trường năm nay, theo hãng tư vấn bất động sản Savills. CBRE còn ước tính lớn hơn, với hơn 1,26 triệu m2 mới năm nay và năm 2018.

Tuy nhiên, tình hình có tiến triển cũng là đã là tín hiệu tích cực với các nhà hoạch định chính sách. Tham vọng của họ là xây một quận văn phòng khổng lồ, làm dấy lên mối lo khối nợ tăng cao. Mối lo này đã hình thành từ nhiều năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại.  

Nhiều thành phố khác của Trung Quốc đang vật lộn vì tăng trưởng phụ thuộc vào nợ. Tuy nhiên, Thiên Tân có ưu thế hơn, nhờ vị trí tiên phong tại 2 trong các dự án quốc gia lớn nhất nước.

Một là Sáng kiến Vành đai và Con đường, giúp mở các tuyến thương mại mới trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Đây là dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, sẽ làm lợi cho các thành phố cảng như Thiên Tân. Dự án thứ hai là ý tưởng kết nối Thiên Tân với Bắc Kinh và Hà Bắc, nhằm tạo ra một siêu đô thị 100 triệu dân.

"Chúng tôi muốn thành phố trở thành một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, như Singapore hay Hong Kong", Xiao Sheng - Phó giám đốc khu vực mậu dịch tự do tại Thiên Tân cho biết.

*Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Thành phố Thiên Tân có 14,7 triệu dân, đã được cho phép xây dựng một khu mậu dịch tự do năm 2014 để thu hút đầu tư. Cách đây một thập kỷ, Airbus mở nhà máy lắp ráp hoàn thiện máy bay thân hẹp tại đây. Năm ngoái, họ lại động thổ một nhà máy lắp ráp khác cho máy bay thân rộng.

Thiên Tân đang nhận được hàng loạt đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, năng lượng sạch, ngân hàng và cho thuê tài chính. Mục tiêu là giảm dư thừa công suất trong ngành thép và tăng tốc cải tiến công nghiệp. "Trung Quốc đang hướng đến tăng trưởng bền vững và có kiểm soát hơn. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thiên Tân", Xiao nhận xét.

Việc này đã giúp kinh tế Thiên Tân tăng trưởng tốt hơn hầu hết các nơi khác. GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,9% quý I. Tốc độ này ở Thiên Tân là 8%.

Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Do Thiên Tân nằm ở điểm cuối phía đông của một tuyến đường sắt dẫn đến Minsk (Belarus). Misk là nơi hai nước đã đồng ý xây một khu công nghiệp.  

Thiên Tân cũng được kết nối bởi nhiều tuyến đường sắt chạy qua 4 cảng biên giới - Erenhot và Manzhouli ở Mông Cổ, cũng như Alataw Pass và Khorgas ở biên giới Kazakhstan.

Tại nơi Zhang làm việc, hơn nửa căn hộ trong tòa nhà 47 tầng đã được bán. Một số công ty đã chuyển đến đây làm việc. Doanh số bất động sản tăng 94,3% trong năm 2016 - nhanh nhất Trung Quốc.

Andrew Polk - Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Medley Global Advisors thì cho rằng Thiên Tân không thất bại vì nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ. "Chỉ đơn giản là họ không muốn thấy thành phố này đi xuống mà thôi".

Hà Thu (theo Bloomberg)

No comments

Powered by Blogger.