Header Ads

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Doanh nghiệp đang hưởng lợi từ tài sản của Nhà nước

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Công tác chuẩn bị của nhiều dự án thật sự có vấn đề

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8/2014, sau đó  được Quốc hội thông qua. Hiện số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị có kế hoạch đầu tư 2018-2019.

Đối với vấn đề phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo luật, sau năm 2014 các Bộ ngành địa phương sẽ không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ 31/12/2014 trở về trước, số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỷ và đã thu xếp được vốn để xử lý hết. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, số nợ đọng xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ, hiện còn nợ 9.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông và dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thanh toán được hết khoản nợ này.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.

“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị”, Bộ trưởng nhận xét và cho biết, một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết.

Nhiều năm trước việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn chúng ta có thể cân đối vốn thực hiện, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số này đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012 – 2013 có khoảng 15.000 dự án thì nay giảm đi hai phần ba chỉ còn 4.000 – 5.000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng. Sắp tới Bộ cũng sẽ rà soát lại toàn bộ quy định, nghị định hướng dẫn (nghị định 136, nghị định 15) để công tác chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được thuận lợi, dễ thực hiện.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn đầu tư dự án nhóm C, quy mô nhỏ. Vướng mắc trong thời gian qua tại một số địa phương trong việc triển khai 2 chương trình quốc gia là nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Bộ ghi nhận và tìm hướng giải quyết các vấn đề này.

Việc xây dựng kế hoạch vốn trung hạn cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo các hiệp định đã ký kết khoảng 300.000 tỷ đồng trong kế hoạch 5 năm tới, trên thực tế vừa qua đã phân bổ 243.000 tỷ, số dự phòng đang để lại là 57.000 tỷ đồng (trong đó ở trung ương là 30.000 tỷ đồng). Nếu thiếu vốn, các Bộ ngành, địa phương có thể đề xuất để sử dụng quỹ dự phòng 10% hiện có.

No comments

Powered by Blogger.