Header Ads

BIDV trả cổ tức 7% bằng tiền mặt, Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỷ

Với tỷ lệ thông qua tuyệt đối cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyết việc chi trả cổ tức năm 2016, tỷ lệ 7% bằng tiền mặt tại cuộc họp Đại hội cổ đông diễn ra sáng 22/4. Việc biểu quyết thông qua này được thực hiện sau khi có quyết định của Bộ Tài chính về chi trả cổ tức.

Theo tờ trình cổ đông trước đó, BIDV dự kiến trả 7% cổ tức năm 2016 tuy nhiên phương thức chi trả được để ngỏ là bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Chất vấn lãnh đạo ngân hàng tại cuộc họp nhiều ý kiến cổ đông bày tỏ mong muốn ngân hàng sẽ chi trả khoản cổ tức này bằng tiền mặt, thay vì giữ lại để tăng vốn điều lệ.

Đáp lại, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho hay, hình thức trả bằng tiền hay cổ phiếu sẽ do Bộ Tài chính quyết định do cơ quan này đang là cổ đông lớn nhất tại BIDV. "Nếu được Bộ Tài chính đồng ý chúng tôi sẽ chi trả bằng tiền mặt và trả trong quý II tới", ông Tú nói. Ngay sau đó, lãnh đạo BIDV thông báo vừa nhận được văn bản của Bộ Tài chính về trả cổ tức bằng tiền mặt và yêu cầu cổ đông bỏ phiếu thông qua tại đại hội.

Hiện đại diện vốn là Ngân hàng Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28% tại BIDV. Với mức trả cổ tức 7% tiền mặt, dự kiến Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỷ tiền cổ tức từ ngân hàng này. Năm ngoái BIDV cũng trả cổ tức năm 2015 tỷ lệ 8,5% bằng tiền mặt sau khi Bộ Tài chính có ý kiến và số tiền nhà chức trách thu về khoảng 2.700 tỷ.

bidv-tra-co-tuc-7-bang-tien-mat-bo-tai-chinh-thu-ve-hon-2200-ty

BIDV sẽ chia cổ tức năm 2016 tỷ lệ 7% bằng tiền mặt trong quý II/2017.

Cũng tại cuộc họp Đại hội cổ đông sáng nay, các cổ đông chất vấn chuyện tỷ lệ lợi nhuận mỗi nhân viên BIDV đem về cho ngân hàng không cao như kỳ vọng, thấp hơn các "ông lớn" ngân hàng khác. Giải đáp băn khoăn này ông Trần Xuân Hoàng - Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ, nhân sự ngân hàng hiện hơn 22.000 người, tăng nhanh do vừa qua nhận gần 4.000 người khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MBB). Còn nếu chỉ tính trong hệ thống BIDV thì tăng không quá 3% mỗi năm trong 3 năm qua. "Dù gánh nặng nhưng ngân hàng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, việc này thể hiện tốc độ tăng lao động với tốc độ tăng lợi nhuận của ngân hàng", ông Hoàng chia sẻ.

Vị này phân tích thêm, so với các nhà băng lớn khác trong hệ thống ngân hàng thì thu nhập thuần của BIDV cao hơn, hiện trên 16.500 tỷ đồng. Do ngân hàng phải tăng năng lực tài chính nên trích lập dự phòng cũng cao, tới 9.000 tỷ. Với tỷ lệ nợ xấu dưới 2% hiện nay, khoản trích lập này giúp ngân hàng đủ năng lực xử lý các khoản nợ xấu ngay cả trong trường hợp không thu hồi được. 

Lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận chuyện tăng vốn khó khăn trong những năm qua và BIDV đang nỗ lực cao nhất để tăng được vốn trong năm nay. Theo kế hoạch trình Đại hội cổ đông, nhà băng này sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, từ 34.187 tỷ hiện tại lên 38.632 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn của ngân hàng sẽ gồm 3 đợt, gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ (tương ứng tỷ lệ 7%). Đợt 2 ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ và cuối cùng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng.

Về giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, ngân hàng đang có room gần 30% để giảm tỷ lệ sở hữu xuống tối đa 65% theo kế hoạch của Nhà nước. "Mục tiêu của ngân hàng là xuống 65% và nếu xuống sâu hơn thì phải xin ý kiến của Nhà nước", ông Phan Đức Tú nói.

No comments

Powered by Blogger.