PAN đặt kế hoạch doanh thu thụt lùi
Công ty cổ phần Tập đoàn Pan (mã CK: PAN) vừa công bố tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên, trong đó xuất hiện một số vấn đề quan trọng như sửa đổi kế hoạch chia cổ tức năm 2016, cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh năm nay…
Theo đó, công ty dự kiến chia cổ tức năm trước bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% thay cho phương án đã phê duyệt trước đó là 10% cổ tức bằng tiền mặt. Phương án này được đề xuất trên cơ sở nguồn thu bất thường từ thương vụ chuyển nhượng 80% vốn đầu tư mảng dịch vụ vệ sinh của PAN Services cho đối tác Nhật Bản hồi tháng 3/2016 và thực tế nhu cầu sử dụng nguồn tiền mặt để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án mới.
Do thời tiết biến động bất thường và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến hoạt động kinh doanh của các công ty con chủ lực trong năm qua diễn tiến không thuận lợi. Ngoài ra, việc không còn hợp nhất doanh thu của PAN Services sau thoái vốn cũng tác động không nhỏ đến việc hàng loạt chỉ tiêu mới hoàn thành khoảng 81-87% kế hoạch. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.753 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước nhưng vẫn kém kế hoạch đề ra trước đó đến 577 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 257 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước nhưng cũng chỉ đạt 87% kế hoạch.
Cơ cấu doanh thu năm 2016 dịch chuyển rõ nét theo hướng tăng mạnh tỷ trọng từ nông nghiệp và thực phẩm, đóng góp đến 97% vào tổng doanh thu của tập đoàn. Hiện 2 mảng này có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lần lượt đạt 6% và 35%, trong khi dịch vụ tiện ích và một số lĩnh vự khác giảm mạnh đến 83%.
Trong năm qua, PAN Group thành lập một công ty con có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để tập trung phát triển nông nghiệp và tiếp nhận những khoản đầu tư vào nông nghiệp trước đó. Nổi bật trong số này là Công ty cổ phần Pan Saladbowl chuyên liên doanh với đối tác Nhật Bản để cung cấp sản phẩm rau, hoa xuất khẩu. Hoạt động trọng tâm của doanh nghiệp này trong giai đoạn đầu là xây dựng nhà kính và các mảng liên kết nên doanh thu đóng góp chưa đáng kể, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.
Ở mảng thực phẩm, công ty triển khai rầm rộ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu ở nhóm các công ty thực phẩm như bánh kẹo, chế biến nước mắm, thủy sản và hạt điều. Tính đến cuối năm 2016, giá trị đầu tư lũy kế vào ngành này đạt 1.088 tỷ đồng.
Dự báo tình hình hoạt động năm nay tiếp tục gặp khó khăn, ngoài doanh thu thuần dự kiến tăng 327 tỷ đồng thì tất cả chỉ tiêu tài chính khác đều được đề ra thận trọng, thấp hơn năm trước khoảng 16-26%. Ước tính lãi sau thuế hợp nhất và của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 280 tỷ và 190 tỷ đồng.
PAN Group được thành lập năm 1998 với vốn điều lệ 250 triệu đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư vệ sinh công nghiệp. Đến năm 2012, công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, khởi đầu là mua 2,6 triệu cổ phiếu (tương đương 20,2% vốn điều lệ) Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp liên tục bành trướng trong lĩnh vực này thông qua việc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa, thương hiệu Nước mắm 584 Nha Trang… Tính đến cuối năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu đạt 2.922 tỷ đồng và điều chỉnh giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% vốn điều lệ. Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Duy Hưng.
Phương Đông
Post a Comment