Header Ads

Thiếu nữ hôn mê vì lý do không ngờ

 - Gặp tai nạn xe máy khiến mu bàn chân bị thương, thiếu nữ 16 tuổi tự xử lý vết thương ở nhà. 5 ngày sau, cô gái bị cứng toàn thân, không ăn uống được.

Thiếu nữ 16 tuổi người dân tộc S’tiêng được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Bình Phước lên BV Nhiệt đới (TP.HCM) trong tình trạng co cứng cơ toàn thân, không đi lại được, vết thương ở mu bàn chân trái sưng tấy, chảy mủ.

Theo BS Nguyễn Thành Nguyên - Phó khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn BV Nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán bị uốn ván.

uốn ván, co giật, bệnh viện Nhiệt Đới, tai nạn giao thông
BS Nguyên thăm khám cho bệnh nhân

Thời điểm vào khoa, thiếu nữ này lên cơn gồng giật, tím tái, dù điều trị bằng thuốc an thần nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Các BS đã phải mở khí quản, thở máy, kết hớp dùng thuốc giãn cơ, thuốc kháng sinh cho người bệnh.

Trải qua 13 ngày điều trị, tuy bệnh nhân ổn định hơn nhưng vẫn còn thở máy và chưa ngưng thuốc.

Ông Điểu Êm (48 tuổi, bố thiếu nữ 16 tuổi) kể, con gái hiện đang học lớp 9. Cách đây không lâu em bị tai nạn xe, có vết thương ở mu bàn chân, nghĩ không sao nên tự điều trị ở nhà.

5 ngày sau, ông thấy con gái bất ngờ bị cứng hàm, cứng cổ, các cơ còn lại cũng dần bị cứng, không ăn uống được nên vội đưa tới BV thăm khám.

Trực tiếp điều trị cho thiếu nữ người dân tộc S’tiêng, BS Nguyễn Thị Ngàn cho hay, nếu tình trạng tiến triển tốt, ít nhất bệnh nhân còn phải theo dõi tại khoa thêm 1 - 2 tuần nữa.

Cách chỗ thiếu nữ không xa là giường bệnh của anh Kim Thành Huy (27 tuổi, quê Cà Mau). Anh này cũng bị tai nạn giao thông và tự ở nhà chăm sóc.

Trước lúc nhập viện, anh Huy bị uốn ván dẫn tới cứng cơ, cứng cổ và gồng giật. Khi vừa chuyển tới BV Nhiệt đới được 3 giờ, BS phải mở khí quản, thở máy, đồng thời biến chứng rối loạn thần kinh thực vật.

uốn ván, co giật, bệnh viện Nhiệt Đới, tai nạn giao thông
15 người cấp cứu vì uốn ván, có tới 10 ca phải thở máy

Hiện ở khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn BV Nhiệt đới đang điều trị cho 15 người bị uốn ván, trong đó có tới 10 ca phải thở máy.

Đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong nhà. Khi bị vết thương nhỏ, do chủ quan nên ở nhà tự chữa trị, không chích ngừa uốn ván. Chi phí điều trị cho tới khi dứt điểm bệnh uốn ván từ 30 - 60 triệu đồng.

Người bị thương, dù vết thương nhỏ cũng nên tới cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách, và tư vấn chích ngừa uốn ván - BS Nguyên khuyến cáo. 

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra.

Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 - 90% . Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.

Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4-21 ngày. Tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.

Nguyên nhân gây bệnh: Do bị trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.

Bệnh có thể ngừa bằng tiêm chủng vắc-xin.

Văn Đức

No comments

Powered by Blogger.