Header Ads

Doanh nghiệp kêu 'làm thủ tục một dòng mất 32 loại giấy tờ'

Sáng 19/5, đại diện doanh nghiệp cùng khoảng 1.000 công nhân đến từ các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã có buổi đối thoại với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Ông Đỗ Văn Thắng, Công ty TNHH Nhà thép Tiền chế Zamil Việt Nam nêu thực trạng các đoàn kiểm tra trung bình mỗi tháng đến làm việc với doanh nghiệp một lần.

“Zamil 4 tháng đầu năm gần như trung bình mỗi tháng có một đoàn đến kiểm tra. Vừa rồi UBND huyện Sóc Sơn lại đánh một công văn tiếp xuống về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm”, đại diện Zamil cho hay.

doanh-nghiep-keu-lam-thu-tuc-mot-dong-mat-32-loai-giay-to

Đại diện Zamil Việt Nam, ông Đỗ Văn Thắng phản ánh bất cập thủ tục hành chính với Chủ tịch TP Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.

Ông Thắng cho biết, có tình trạng các đoàn kiểm tra xuống doanh nghiệp “kiểm tra hướng dẫn thì ít mà tìm lỗi doanh nghiệp và nêu những hình phạt thì nhiều”.

“Có đoàn kiểm tra thông báo qua điện thoại bảo mai đến kiểm tra, đoàn có 6 người, chuẩn bị trước đi. Nếu đặt vào vị trí đấy các vị sẽ cảm thấy thế nào?”, ông Thắng đặt vấn đề.

Đại diện Zamil cũng phản ánh, Bộ Tài chính có thông tư đối với các doanh nghiệp hoàn thuế nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận sở hữu công trình. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nội Bài chỉ được cấp sổ xanh.

“Tôi đi hỏi, bên cạnh làm thủ tục đó trên sổ đỏ có một dòng thôi nhưng mất 32 loại giấy tờ. Cứ đọc 32 loại giấy tờ mà chúng tôi đi làm là thấy chùn chân, thực sự không phải dễ. Lên đi lên lại, hỏi trên thì bảo ra đọc thủ tục, đọc thủ tục xong trình lên thì không hiểu rõ, ra đọc lại lần nữa”, ông Thắng nói.

Cũng phản ánh bất cập về thủ tục hành chính, bà Bùi Thị Hương (Công ty Yamaha) cho hay, để mở - đóng được một chi nhánh phải làm 11 loại giấy tờ, thủ tục, qua nhiều cơ quan khác nhau như: Thuế, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và xã hội...

doanh-nghiep-keu-lam-thu-tuc-mot-dong-mat-32-loai-giay-to-1

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tiến, Công ty TNHH phát triển Nội Bài nêu kiến nghị tại cuộc đối thoại. Ảnh: Võ Hải.

Đại diện công đoàn Công ty Nippon Paint KCN Thăng Long cho biết, đa số công nhân lao động là ngoại tỉnh, cần đăng ký tạm vắng tạm trú nhưng thủ tục hành chính đăng ký tạm trú tạm vắng rất rườm rà, phải gặp đúng công an khu vực, nhưng phải đi lại nhiều lần mới gặp.

Chia sẻ với doanh nghiệp về việc phải tiếp đón các đoàn kiểm tra, Chủ tịch Hà Nội cho hay cũng có vợ làm doanh nghiệp tư nhân từ năm 1995 nên rất hiểu điều này.

“Tôi rất hiểu sâu sắc là các đoàn kiểm tra như thế nào nên hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp trên tinh thần chỉ một đoàn thanh tra kiểm tra vào một năm một lần và phải có sự thông báo trước”, ông Chung nói, đồng thời “cho phép” doanh nghiệp từ chối làm việc nếu đoàn kiểm tra chỉ thông báo trên điện thoại khi đến làm việc.

"Thành phố có đường dây nóng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phản ánh, chúng tôi sẽ chấn chỉnh", Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.

doanh-nghiep-keu-lam-thu-tuc-mot-dong-mat-32-loai-giay-to-2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng quà cho công nhân nghèo tại buổi đối thoại. Ảnh: Võ Hải

Liên quan đến phản ánh làm thủ tục sở hữu công trình phải chuẩn bị tới 32 giấy tờ, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên thống kê lại các thủ tục, xem xét giảm thiểu những thủ tục không cần thiết, đồng thời cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với Khu công nghiệp và các doanh nghiệp có nhu cầu để giảm tải.

Tương tự, ông Chung giao Sở Kế hoạch và đầu tư ngay sau buổi đối thoại ngồi lại làm việc để giải thích, tháo gỡ vướng mắc về lắp đặt đường truyền dữ liệu nội bộ cho các đại lý của Yamaha. Sở cũng được yêu cầu tiếp thu kiến nghị, rà soát lại, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp liên quan đến mở chi nhánh doanh nghiệp phải cần tới 11 loại giấy tờ.

Với những khó khăn trong thủ tục làm chứng minh thư, khai báo tạm trú của công nhân, Chủ tịch Hà Nội cho biết, từ năm 2013, thành phố đã quy định với các doanh nghiệp từ 10 công nhân trở lên, nếu có nhu cầu làm chứng minh thư, cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để làm. Ông lưu ý các quận, huyện có khu công nghiệp và khu chế xuất, hàng tuần cử đội quản lý hành chính đến tận nơi để giải quyết các thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp.

TP Hà Nội hiện có 11 khu công nghiệp, thu hút hơn 150.000 công nhân lao động. Hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đóng góp 5-6% GDP cho thành phố.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 20 về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Theo đó cơ quan thanh tra sẽ làm việc tại doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm.

Võ Hải

No comments

Powered by Blogger.