Header Ads

Biến 'tài sản công thành tư' khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/6, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng đã đề cập tới câu chuyện cố tình trì hoãn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có hồi kết nhưng chưa được xử lý triệt để. 

Ông trích dẫn số liệu cho biết, tổng giá trị sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp có hơn 50% cổ phần trở lên vào khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Đồng thời, theo ông, số người đại diện vốn nhà nước tham gia quản lý cũng không nhỏ. Đi cùng với đó là chế độ, quyền lợi, lợi ích với họ. Và ông đặt câu hỏi liệu đây có phải là lý do cản trở việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay không. 

"Cử tri Đà Nẵng luôn đặt câu hỏi với chúng tôi rằng, có hay không có sự thao túng của nhóm lợi ích nhóm trong câu chuyện này. Thật khó có thể trả lời rằng không, khi mà ở đâu đó hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công là tài sản tư, làm giàu một cách rõ ràng là không bình thường vẫn đang diễn ra", ông Sơn nói. 

bien-tai-san-cong-thanh-tu-khi-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc

Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 9/6. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Đại biểu này cũng dẫn chứng việc một số người có chức có quyền trong doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ lợi dụng việc nắm giữ thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa. "Những lô đất vàng được định giá thấp nhưng sau khi cổ phần hóa được bán với giá cao ngất ngưởng mà không tìm thấy bất cứ lý do nào dẫn tới sự tác động làm cho tăng giá đột biến như vậy", ông nói và cho rằng, làm rõ vấn đề trên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. 

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng đặt câu hỏi “các ngành, địa phương chưa quyết liệt hay có hay không chậm trễ cổ phần hóa là do lợi ích nhóm?”. Ông đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung rõ nguyên nhân.

Đại biểu này cũng băn khoăn về “sức khỏe” của doanh nghiệp nhà nước, khi việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại. Năm 2016 chỉ có 56 doanh nghiệp cổ phần hóa được phê duyệt, rất thấp so với mức trung bình 118 doanh nghiệp 5 năm trước đó.

4 tháng đầu năm 2017 mới có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn thu về 14.200 tỷ đồng ; 41 doanh nghiệp mới được công bố giá trị doanh nghiệp.

“Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm phần nhiều do sự thiếu kiên quyết, có tâm lý chờ đợi cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc chậm xử lý số dự án thua lỗ lớn cũng làm quá trình cổ phần hóa chững lại”, ông Hùng nhận định.

Liên quan tới xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ của doanh nghiệp nhà nước, ông Hùng đề nghị, cần có giải pháp ngay với 12 dự án này. Đồng thời, xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án khoảng 63.000 tỷ, tổng lỗ lũy kế của 10 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng thua lỗ trên 16.000 tỷ, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 22,56% khoảng 14.300 tỷ, tổng nợ phải trả trên 55.000 tỷ.

“Cử tri rất bức xúc khi nói về các dự án nghìn tỷ thua lỗ. Đề nghị cho phá sản doanh nghiệp, kiên quyết không dùng tiền thuế của dân bù lỗ cho số doanh nghiệp, dự án thua lỗ này”, ông Hùng kiên quyết và kiến nghị, Chính phủ thời gian tới cần tổng kết đánh giá thực hiện mô hình tập đoàn, tổng công ty, vốn được thành lập với kỳ vọng là “xương sống nền kinh tế, nhưng thực tế hiệu quả đóng góp thấp”.

Hoài Thu - Ngọc Tuyên

No comments

Powered by Blogger.