Header Ads

'Đoàn tàu' nông nghiệp 3 khoang, mới phát triển được một khoang

Là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đồng thời cũng là lần đầu đăng đàn trực tiếp, song Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường đã góp phần tạo nên một phiên trao đổi "sôi nổi, thẳng thắn, có tính xây dựng và đạt yêu cầu", theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lãnh đạo Quốc hội cũng nhìn nhận vị tư lệnh ngành đã nắm rõ tình hình dù mới nhậm chức chưa đầy một năm.

doan-tau-nong-nghiep-3-khoang-moi-phat-trien-duoc-mot-khoang-page-2

Sau tổng cộng gần 4 giờ trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tiếp nhận ý kiến của 43 đại biểu, trong đó có 11 người tranh luận lại. Đến giữa buổi chiều 13/6, khi nhường lại "ghế nóng" cho Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ông Cường vẫn còn 22 câu hỏi chưa kịp trả lời.

Khủng hoảng thịt lợn và trách nhiệm của Bộ trưởng

Ngay đầu giờ sáng, trong ít phút phát biểu trước khi nhận chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận những khó khăn, hạn chế mà ngành nông nghiệp gặp phải, nhất là tình trạng nông sản “được mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại nhiều năm.

Ông nhận trách nhiệm lỗi là do việc quản lý của ngành chưa nghiêm, dự báo chưa sát thực tế. “Là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm, và xin cố gắng trả lời hết, thấu đáo những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra”, ông nói.

Sự thẳng thắn của vị trưởng ngành được ghi nhận khi không né tránh những bất cập, cũng như trả lời thẳng vào những vấn đề mà đại biểu nêu. Trước đó, rất nhiều ý kiến tỏ rõ sự sốt ruột khi người chăn nuôi lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế, nhưng các giải pháp đưa ra chỉ là trước mắt, chưa có biện pháp căn cơ, đột phá.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: "Thị trường dư thừa, giá rớt thảm hại, người chăn nuôi thiệt hại, còn chúng ta thì lúng túng trong giải cứu. Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng), trong số 8 giải pháp mà Bộ trưởng nêu trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn thì có tới 3 giải pháp tiếp tục, 3 giải pháp đẩy mạnh, kế tiếp là rà soát, điều chỉnh... "Đâu là giải pháp đột phá?”, bà Thuý chất vấn.

doan-tau-nong-nghiep-3-khoang-moi-phat-trien-duoc-mot-khoang-page-2-1

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường trong lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội.

Đáp lại những tâm tư của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận thực tế nông sản khủng hoảng thừa đã diễn ra từ lâu. "Sức tăng trưởng thực phẩm Việt Nam vượt quá nhu cầu trong một thời điểm. Chúng ta chuyển rất nhanh từ đói sang thừa", Bộ trưởng Cường thừa nhận.

Câu trả lời có phần "thật thà" nhưng lột tả đúng thực tế ngành của vị trưởng ngành nhận được không ít tiếng cười từ phía dưới hội trường. Bộ trưởng nhìn nhận câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt.

"Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước", ông Cường nói. Cụ thể, trong ba khâu sản xuất, chế biến và tổ chức, mở cửa thị trường thì ngành mới làm được khâu đầu tiên, còn lại 2 khâu sau rất yếu, rất kém. Hệ quả là “khủng hoảng thừa” thịt lợn vào tháng 4 vừa qua.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Cường, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tranh luận lại. Ông cho rằng các giải pháp đang thiếu sự đồng bộ, lúng túng. “Vai trò của Bộ Công Thương ở đâu khi để khâu trung gian bán lẻ ăn gian quá nhiều, giá thịt hơi 20.000 đồng mà siêu thị vẫn bán 80.000 đồng một kg?”, ông Sơn chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng bấm nút tranh luận cho rằng, xuyên suốt các câu trả lời về quy hoạch, giải cứu lợn của Bộ trưởng vắng bóng vai trò quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc lại, trong 3 khúc sản xuất, chế biến và tiêu thụ thịt lợn thì Bộ mới làm được 1 khúc, 2 khúc kia làm kém, không nói Bộ Nông nghiệp làm tốt.

"Trong 3 khúc một đoàn tàu, sức sản xuất mặt hàng lợn mới làm được ở sản xuất về cám, giống, về sức sản xuất, còn khoang thứ 2 là khoang chế biến, tổ chức thị trường rất kém. Không phải ông Công Thương mà đây là phạm trù của ông Nông nghiệp. Cái này cũng không phải tại dân”, Bộ trưởng Cường khẳng định.

Giải trình thêm cùng đại diện ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. Giải pháp đối với ngành chăn nuôi sẽ phải gắn sản xuất với mở cửa thị trường, gắn với mở cửa về thủ tục hành chính. Trong đó, yêu cầu vượt qua những hàng rào kỹ thuật là điều kiện quan trọng.

"Khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài cần 3-7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, công tác quy hoạch cần tính toán vấn đề này và cần sự phối hợp giữa các bộ ngành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Sự việc khủng hoảng thừa đối với ngành chăn nuôi lợn thời gian vừa qua cũng sẽ được giải quyết khi Việt Nam xây dựng được cơ chế xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường lớn như Trung Quốc, thay vì xuất khẩu tiểu ngạch mang tính rủi ro của hiện tại.

Nông dân không chỉ chờ Bộ trưởng, mà chờ cả hệ thống chính trị

Dù vậy, trong thời gian trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng có những lần còn tỏ ra lúng túng trước các câu hỏi "truy tới cùng trách nhiệm" của các đại biểu. Cũng không ít lần ông bị chủ toạ phiên họp - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở câu trả lời "chưa vào trọng tâm".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) - Phó bí thư Thành uỷ TP HCM đề nghị được biết "suy nghĩ của Bộ trưởng trước thực tế "nông dân đang chật vật, không thể sống bằng thu nhập sản phẩm nông nghiệp mình làm ra?".

Đáp lại, Bộ trưởng Cường khẳng định "người nông dân không chỉ trông chờ Bộ trưởng, mà cả hệ thống chính trị làm tốt hơn và đó là yêu cầu chính đáng".

Theo ông, ở mỗi cương vị, đặc biệt là trưởng ngành phải có trách nhiệm đầu tiên, nhưng một trưởng ngành không bao giờ giải quyết hết việc được. Ông cũng cảm ơn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia cùng ngành nông nghiệp.

Không hài lòng, đại biểu bà Quyết Tâm giơ biển xin tranh luận: "Tôi chất vấn Bộ trưởng là muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị", bà nói.

Phó bí thư thành uỷ TP HCM cho hay, trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, bà nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. "Cái gì dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá", bà Tâm nói. Vị nữ đại biểu TP HCM cũng cho rằng phát ngôn gần đây của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp “sản xuất dư thừa do bà con chạy theo phong trào, thấy gì thì làm nấy" là thiếu trách nhiệm.

Sau nhiều lần Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời nhưng vẫn chưa rõ trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại băn khoăn của các đại biểu là Bộ trưởng giải thích do sản xuất, do thị trường… nhưng chưa nói đến trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Cường liền đáp: “Vâng, em xin trả lời tiếp".

Phó thủ tướng trăn trở nông sản "được mùa, rớt giá" lặp đi lặp lại

Được yêu cầu giải trình thêm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề tiêu thụ nông sản là vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp. “Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân”, Phó thủ tướng nói và cho rằng cần phải tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo động lực cho sản xuất, tạo các vùng chuyên canh lớn, các khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp.

PTT-00-00-55-28-Still003-6264-1497330119

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trăn trở về việc nông dân liên tiếp "được mùa, rớt giá".

Ông đề nghị thay đổi chính sách hạn điền, nền nông nghiệp cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa. Sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng phải tốt hơn. Những người nông dân còn khó khăn phải được hỗ trợ sản xuất, tiếp cận vốn và công nghệ. Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho người nông dân.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Chưa bao giờ tổn thương đến vậy

Là một trong 37 đại biểu còn lại muốn trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong buổi chiều nay, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) lo lắng trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng đang diễn ra nghiêm trọng, uy hiếp gần 20.000 người dân. “Bộ trưởng có giải pháp gì giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống?”, nữ đại biểu tỉnh An Giang sốt ruột.

Đáp lại đại biểu Ánh Tuyết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Trong lịch sử kiến tạo chưa bao giờ đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động tổn thương như bây giờ”. Ông Cường cũng thừa nhận, sạt lở tại khu vực này diễn ra ngoài quy luật tự nhiên, khi hoạt động thượng nguồn đổ về đây.

Sạt lở tại khu vực này trải trên diện tích lớn và hiện đã lan rộng tại nhiều địa phương trong khu vực này, như khu vực An Giang, Đồng Tháp, nay đã lan sang Cần Thơ…

Những khảo sát vừa qua của các Bộ, ngành tại đây mới chỉ đưa ra giải pháp bước đầu, nhưng “rồi đây còn phải đối phó tình trạng này ghê gớm lắm”. Trong tổng số chiều dài 774 km bờ biển có tới 41 điểm sạt lở; 524 km bờ song thì 49 km sạt lở, trong đó có một số chóp điểm nguy hiểm cần xử lý gấp.

Trước tình hình cấp bách tại đồng bằng sông Cửu Long phải “tức thì có hỗ trợ khẩn cấp”. Trước mắt, sẽ di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng. Người dân khu vực huyết mạch sẽ được ưu tiên di dời trước. Dù ngân sách khó khăn, nhưng vẫn ưu tiên dành nguồn kinh phí để sửa chữa khẩn cấp một số chóp điểm nguy hiểm.

Song về lâu dài Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần có đánh giá quan trắc đầy đủ, bài bản để đưa ra giải pháp khắc phục. Ông cũng xin các đại biểu Quốc hội vài phút cuối phiên chất vấn để “được trình bày ngọn ngành, cụ thể những kiến nghị của Bộ”.

No comments

Powered by Blogger.