Header Ads

Tiết lộ bí mật đời tư trên mạng xã hội sẽ bị phạt 30 triệu đồng

Cơ quan soạn thảo đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.

Khoản 4 điều 90 dự thảo quy định, người nào sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Nếu truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức cá nhân khác, mức phạt tăng thành 30-50 triệu đồng.

Nếu cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân, người vi phạm bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng.

Mức phạt 20-30 triệu đồng áp dụng với người tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan (trừ trường hợp pháp luật quy định)Đây cũng là mức phạt với hành vi miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Ai bị xác định lợi dụng mạng xã hội để cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; cung cấp các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; cung cấp thông tin kích động bạo lực, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội... phải chịu mức phạt 5-10 triệu đồng.

Tiết lộ bí mật kinh doanh bị phạt 30-50 triệu đồng

Khoản 4 điều 91 quy định, phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng với người có hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; phát tán thông tin làm mất trật tự an toàn xã hội hoặc tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.

Hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn bị phạt 50-70 triệu đồng.

Người có hành vi xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 70-100 triệu đồng.

Khoản 3 điều 35 Nghị định 56/2017/NĐ/CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em 2016 quy định: Cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo yêu cầu của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc trong trường hợp việc tiết lộ thông tin đó gây tổn hại cho trẻ em, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Điều 33 Nghị định này.

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Thục Linh

No comments

Powered by Blogger.